Với
chúng ta, con trẻ là biểu hiện của tình yêu, niềm hạnh phúc và là nhân
tố không thể thiếu của gia đình. Ước nguyện có con là nguyện vọng chính
đáng của tất cả các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, không phải căp vợ chồng nào
cũng có thể có con như mong muốn. Việc không có con đã làm cho các cặp
vợ chồng luôn lo âu và càng mong đợi, càng hy vọng thì càng căng thẳng
hơn.
Khi người phụ nữ bị áp lực tâm lý đè nặng thì sự rụng trứng
có thể bị ức chế và sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Ở nam giới,
căng thẳng tâm lý có thể ức chế sản xuất tinh trùng cũng như độ di động
của tinh trùng. Các cặp vợ chồng hiếm muộn đều có những biểu hiện tâm lý
ở nhiều trạng thái khác nhau từ tích cực đến tiêu cực.
Thời
gian cứ trôi, sự ra đời của một sinh linh bé nhỏ vẫn cứ như một điều ảo
tưởng càng làm cho không khí gia đình trở nên nặng nề, khó chịu. Bên
cạnh đó là những lời nhắc nhở, hối thúc của gia đình hai bên càng làm
cho quan hệ giữa hai vợ chồng mỗi lúc thêm nhiều phiền muộn.
Điều nên làm
Những
người bị hiếm muộn dù có cùng một vấn đề là khó có con, nhưng cách giải
quyết của từng người có thể hoàn toàn khác nhau. Cách tốt nhất là nên
tìm lời khuyên ở những người có chuyên môn, đó là bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, đừng ngại hỏi những người có vấn đề như mình để biết thêm
những thông tin cần thiết và bổ ích. Nếu không có con sau một năm chờ
đợi thì nên đi khám bác sĩ, nhưng đối với phụ nữ trên 35 tuổi thì thời
gian chờ đợi chỉ là sau 6 tháng. Điều không nên làm
Có
những cặp vợ chồng luôn muốn bác sĩ cho biết nguyên nhân hiếm muộn là
do ai. Có cần thiết phải như vậy không và để làm gì? Dù nguyên nhân do
ai thì đôi vợ chồng hiếm muộn vẫn cần phải có sự đồng tâm nhất trí, sự
cảm thông tối đa của người bạn đời trong “cuộc hành trình đi tìm con
trẻ”.
Quá mặc cảm vì bị hiếm muộn-vô sinh và sợ điều tiếng từ
những câu nói cố hữu “cây độc không trái. Gái độc không con”, người phụ
nữ thường giữ kín việc đi khám bệnh. Chính suy nghĩ lạc hậu này đã khiến
họ tách biệt với người xung quanh và cho rằng mọi người không ai hiểu
mình, ai cũng chê cười mình.
Như đã nói ở trên, nếu đã quyết định
đến khám và điều trị hiếm muộn thì cả 2 vợ chồng không được mất tự chủ
và không nên thiếu kiên nhẫn dù biết rằng con đường dài trước mặt còn
nhiều vật cản phải vượt qua: từ việc khám, siêu âm, xét nghiệm đến việc
chờ đợi, đi lại và cả công việc cơ quan... Một cản trở nữa là sự kỳ vọng
100% vào chu kỳ điều trị và vì vậy không chấp nhận thất bại. Điều này
càng làm cho tâm lý của người hiếm muộn thêm căng thẳng và việc điều trị
sẽ khó khăn hơn. Việc khám bệnh cần sự kiên nhẫn
Khi
đi khám bệnh, nên có mặt cả hai vợ chồng, vì đây là lúc cả hai cùng cần
được bác sĩ tư vấn và giải thích mọi vấn đề liên quan. Việc điều trị
thành công phần lớn sẽ đạt được ở những cặp vợ chồng đồng tâm nhất trí,
luôn hỗ trợ động viên nhau và kiên trì điều trị.
Vấn đề hiếm
muộn càng sớm được nhận diện thì càng tăng cơ hội giải quyết thành công.
Một điều cũng rất quan trọng là quyết định chọn lựa cơ sở y tế chuyên
khoa về hiếm muộn để đến điều trị. Muốn có một quyết định chính xác, cần
tìm hiểu những thông tin liên quan đến điều trị hiếm muộn qua sách báo,
tờ thông tin của ngành y tế. Cũng có thể đến hỏi trực tiếp nhân viên y
tế tại các cơ sở chuyên khoa.
Khi đang theo dõi điều trị, đừng
ngại trình bày vấn đề và mạnh dạn trao đổi những điều lo âu với bác sĩ
tư vấn. Càng hiểu rõ về bệnh nhân, bác sĩ càng có nhiều giải pháp có thể
giúp bạn trong điều trị và chọn lựa giải pháp phù hợp nhất.
Hiếm
muộn - vô sinh có rất nhiều nguyên nhân, có thể do người vợ, người
chồng hoặc do cả hai và có khi là không tìm thấy nguyên nhân nào. Do đó,
việc điều trị cũng sẽ có rất nhiều phương pháp. Khi đã được chỉ định
phương pháp điều trị, nên đặt lòng tin vào cơ sở mà mình đã chọn đến.
Ngay
cả các trường hợp có cùng một nguyên nhân hiếm muộn, việc điều trị cũng
không giống nhau. Bác sĩ chuyên khoa theo dõi sẽ là người hiểu rõ vấn
đề và sẽ giải thích cho câu hỏi tại sao được điều trị như vậy. Đừng ám ảnh thất bại
Nền
y học hiện đại đã làm nên rất nhiều điều kỳ diệu nhưng vẫn còn nhiều
điều chưa thể làm được. Dù kết quả ra sao, biết dừng lại đúng lúc là
điều cần thiết. Hãy tự hào rằng, bạn là người dũng cảm và đã làm hết sức
mình cùng với tập thể nhân viên y tế.
Dù
điều trị có thất bại cũng không nên tuyệt vọng và hãy chọn cho mình
những cách khác như xin con nuôi chẳng hạn. Hãy tạo cho mình một cuộc
sống luôn có những mục đích, niềm vui. Khi trút bỏ mọi căng thẳng và áp
lực từ việc mong muốn có con, đôi vợ chồng hiếm muộn có thể sẽ dễ dàng
có con hơn mà không phải nhờ đến bác sĩ.
Ngoài ra, cũng nên chia
sẻ với người có cùng cảnh ngộ về những kinh nghiệm bản thân mà bạn đã có
được trong suốt quá trình điều trị... Làm được điều đó là đã giúp cho
người cũng gặp “vấn đề” như mình có cơ hội thành công và bạn sẽ thấy
hạnh phúc!
(Theo Suckhoedoisong.vn)
|
0 nhận xét: