Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động xây dựng phi pháp ở Trường Sa

18:45 Linh Linh 0 Comments

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2015 vào chiều tối 27-5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động xây dựng phi pháp ở Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.


Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản đối các hoạt động xâm lấn trái phép của Trung Quốc Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG
Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản đối các hoạt động xâm lấn trái phép của Trung Quốc Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết ông vừa từ Trường Sa trở về, tận mắt chứng kiến Trung Quốc đang ráo riết triển khai thi công lấn biển trên tất cả các cấu trúc trái phép mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa. Cụ thể, có 5 điểm đang được triển khai các hoạt động xây dựng lớn là các đảo, bãi đá Huy Gơ, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Chữ Thập.
“Khu vực có hoạt động bồi lấn, xây dựng lớn nhất là đảo Chữ Thập với diện tích triển khai tới 100 ha. Các đảo Gạc Ma, Châu Viên, Huy Gơ cũng có rất nhiều công trình đồ sộ” - ông Tuấn bức xúc, đồng thời cho rằng hoạt động này bất chấp phản ứng của Việt Nam và quốc tế. “Đây là một bước đi chiến lược để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC)” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, các đoàn công tác ra Trường Sa vừa qua đều có thể dễ dàng phát hiện và tận mắt chứng kiến những hoạt động xây dựng, những công trình lớn Trung Quốc triển khai trên biển. “Với khoảng cách gần 3 hải lý, dễ dàng nhận thấy họ san lấp những bãi san hô lớn, tạo luồng lạch để cho tàu đi vào. Các công trình trên đảo Huy Gơ, Gạc Ma xây dựng đến 8-9 tầng. Họ xây dựng cả đèn biển, trung tâm hướng dẫn điều hành bay trên các đảo” - ông Tuấn kể.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh các nước đã lên tiếng mạnh mẽ để phản ứng những hành động này. Việt Nam đã chủ động, tích cực nêu các quyền của mình trên vùng biển chủ quyền, kịch liệt bỏ yêu sách đường lưỡi bò, yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Kiên quyết dẹp loạn trạm thu phí
Cũng tại cuộc họp báo, liên quan đến tình trạng dày đặc trạm thu phí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng việc đầu tư BOT dẫn tới việc lập các trạm thu phí để hoàn vốn được thực hiện theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Thông tư này có nội dung quy định các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km và nếu không đảm bảo khoảng cách này thì phải có sự thỏa thuận với UBND các tỉnh, thành. “Thực tế các trạm thu phí có bảo đảm khoảng cách này hay không vẫn không nằm ngoài quy định. Vấn đề là phải trao đổi, thỏa thuận, đồng thuận trước khi đầu tư dự án. Tuy nhiên, không nên hiểu các trạm thu phí không cách nhau đủ 70 km là vi phạm” - ông Thăng giải thích.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu lý do một số trạm thu phí trên nhiều tuyến đường dày hơn khoảng cách 70 km là vì thay đổi hình thức đầu tư, xây cầu mới phải dịch chuyển trạm thu phí. Do đó, nếu làm “cứng” theo quy định thì vị trí đặt trạm lại không phù hợp vì rơi vào giữa thành phố, thị xã. Việc xê xích khoảng cách là để thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Trong khi đó, bên hành lang Quốc hội ngày 27-5, trả lời báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển - khẳng định: “Luật là luật, chính chúng ta đặt ra luật nên phải tuân thủ!”.
Ông Hiển cho rằng nếu như các trạm thu phí đó được xây trước khi có quy định thì nhà nước phải tính toán xử lý bằng cách mua lại các trạm thu phí bằng nguồn lực của ngân sách để bảo đảm được khoảng cách 70 km theo đúng quy định của pháp luật.
Người đứng đầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị kiên quyết dẹp bỏ các trạm thu phí đặt sai quy định để lập lại trật tự vì đã xây sai thì không thể bắt dân phải đóng phí. “Tuy nhiên, để họ trả lại tiền thu oan là chuyện không tưởng, biết làm sao mà trả lại!” - ông Hiển nói.
Theo : nlđ
Cấp bách gỡ khó cho du lịch
Tại phiên họp Chính phủ ngày 27-5, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận về tình hình sụt giảm khách du lịch, khó khăn của ngành du lịch để tìm giải pháp ứng phó. Theo đó, Chính phủ đã thảo luận, nhất trí với các giải pháp do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất, như tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam, thành lập Quỹ Phát triển du lịch... “Khi bàn về nội dung miễn visa cho du khách nước ngoài, nhiều ý kiến quan ngại khách của nước này hay nước khác, tùy theo đối tác mà áp dụng. Tuy nhiên, cụ thể tới thời điểm này, mở visa cho khách du lịch quốc gia nào vẫn còn phải xem xét kỹ trước khi thực 
hiện” - ông Nên nói.

0 nhận xét: